Vai trò của tài chính vi mô trong việc xóa đói giảm nghèo
Theo thông lệ quốc tế, tài chính vi mô cung cấp các dịch vụ tài chính cho những người nghèo, người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp. Các dịch vụ của tài chính vi mô bao gồm: huy động tiền gửi (tiết kiệm bắt buộc hoặc tự nguyện), cung cấp các khoản vay, thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm vi mô, hỗ trợ thuê mua công cụ lao động trực tiếp... cùng với một số dịch vụ phi tài chính như giáo dục và đào tạo về quản lý tài chính kinh doanh, đào tạo kiến thức sản xuất, nghề nghiệp và ứng dụng thị trường...
Thực trạng chung
Hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1980, chủ yếu dựa vào các tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Các tổ chức này đã thiết lập nhiều chương trình hỗ trợ kinh tế song phương và đa phương với mục tiêu chung là xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Đầu những năm 1990, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Chính phủ Việt Nam đã công bố chương trình xóa đói giảm nghèo cấp quốc gia với tín dụng là công cụ chính. Tín dụng và các khoản vay có trợ cấp từ Chính phủ sẽ được triển khai thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (tiền thân là Ngân hàng phục vụ người nghèo). Bên cạnh các ngân hàng, còn có các chương trình cho vay hưởng ưu đãi đặc biệt dựa trên mục đích cam kết rõ ràng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý thực hiện. Từ đó, tài chính vi mô tại Việt Nam được cung cấp theo ba nhóm:
Nhóm tổ chức tài chính:
- Ngân hàng Chính sách Xã hội (trước đây là Ngân hàng phục vụ người nghèo)
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
- Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở cấp cơ sở
- Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, với các sản phẩm chính là tín dụng vi mô và nhận tiết kiệm
Ưu điểm của nhóm này là tập hợp các tổ chức tài chính có nhiều năm kinh nghiệm, khả năng quản lý nguồn nhân lực và điều hành vốn, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát, quản lý và hỗ trợ tái cấu trúc khi cần thiết. Tuy nhiên, các ngân hàng và quỹ tín dụng này thường không hứng thú với tín dụng vi mô do các khoản vay nhỏ có chi phí quản lý cao và rủi ro thu hồi nợ không khả quan.
Nhóm tổ chức phi chính phủ:
- Những chương trình được thực hiện thông qua các tổ chức chính trị xã hội
- Các tổ chức xã hội
- Các tổ chức phi chính phủ
- Các quỹ từ thiện
- Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp
- Các quỹ xã hội
Đánh giá một cách công bằng, nhóm này có sự tiếp cận sâu sát nhất với đời sống an sinh xã hội, trực tiếp tiếp cận người nghèo nên các sản phẩm tài chính của họ phù hợp hơn với thực trạng của những người yếu thế trong xã hội so với nhóm tổ chức tài chính chính thức. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập trong khâu tổ chức quản lý do quy mô sở hữu nguồn vốn nằm ở nhiều cấp bậc khác nhau.
Nhóm khác:
Nhóm này bao gồm các hoạt động của các cá nhân nhỏ lẻ, như chơi hụi, bốc họ, vay mượn từ người thân, họ hàng, bạn bè, láng giềng, hoặc thậm chí là vay tín dụng đen, vay cầm đồ... Mặc dù, điểm bất lợi lớn nhất của hình thức này là các mối quan hệ này chỉ là dân sự, nên mọi mâu thuẫn và tranh chấp sẽ phải được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Thường thì không đủ cơ sở pháp lý để tiến hành tố tụng đúng luật do những người vay hoặc cho vay chưa có kiến thức pháp luật vững chắc.
Sau một thời gian định hình và phát triển, tài chính vi mô dần khẳng định được vai trò của mình trong kinh tế. Tuy nhiên, về mặt bản chất, tài chính vi mô vẫn chưa được hiểu đúng đắn và chưa có sự đồng nhất ở các cấp ban ngành. Theo cách hiểu của các cấp ngành, tài chính vi mô vẫn chỉ được xem là khoản tín dụng vi mô mang tính hỗ trợ ưu đãi, là sản phẩm bao cấp chỉ dành cho người nghèo. Sự hiểu biết sai lệch này đã kéo dài thời gian dài, làm cho vai trò và vị trí của tài chính vi mô trong chuỗi hệ thống tài chính – ngân hàng vẫn không được công nhận đúng giá trị, dẫn đến việc các tổ chức tài chính chính thức chưa khuyến khích phát triển theo hướng bền vững (không cần trợ cấp để bù lỗ).
May mắn thay, từ năm 2017 đến nay, vai trò của tài chính vi mô đã có nhiều bước tiến phát triển đáng kể để nắm vai trò then chốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phổ cập đến hầu hết người dân ở những vùng nông thôn, miền núi mà các tổ chức tài chính truyền thống không thể hoàn thành. Điều này chính là điểm tích cực nhất mà tài chính vi mô đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững như hiện nay.